Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Lich sử phát triển và luật thi đấu cầu lông (P1)

Cầu lông hay Vũ cầu là môn thể thao dùng vợt đánh cầu lông qua lưới cao giữa hai bên, mỗi bên có một hoặc hai người trên sân hình chữ nhật. Các tay chơi sử dụng vợt để giữ cho quả cầu lông nhỏ bay trên không càng lâu càng tốt.

Lịch sử phát triển:

Trò chơi đã được trẻ em ở vùng Viễn Đông chơi hàng thế kỷ, và được quân đội Anh đóng ở Ấn Độ thập niên 1860 học hỏi và bắt chước. Người Anh thêm vào cái lưới và trò chơi trở thành môn thi đấu có tên "poona". Năm 1867 thì người ta bắt đầu ghi lại thành văn các luật chơi.

Năm 1873, môn thể thao được đưa về Anh và từ giờ, tên của nó trong tiếng Anh là "badminton". Lý do là vì các vị khách tại lâu đài Badminton House, trong một bữa tiệc do bá tước xứ Beaufort khoản đãi, đã gọi môn thể thao này là "trò chơi ở Badminton".
Năm 1887, bộ quy tắc chuẩn đầu tiên được câu lạc bộ cầu lông xứ Bath đề đạt. 6 năm sau, một tổ chức cấp quốc gia của Anh ra đời. Rồi năm 1899, họ tổ chức giải đấu tại Anh lần đầu tiên.

Trong thế kỷ 20, môn cầu lông ngày càng được ưa chuộng và nhanh chóng đạt mức quốc tế với sự thành lập của Liên đoàn Cầu lông Quốc tế IBF (tiền thân của BWF hiện nay) năm 1934. Ban đầu chỉ có chín thành viên sáng lập, giờ đây BWF có 149 thành viên, từ Aruba đến Zambia.
Tại các Thế vận hội 1972 và 1988, cầu lông mới chỉ được đưa vào như môn thể thao trình diễn. Nhưng bắt đầu từ 1992, môn này đạt vị trí là môn thi đấu tại Olympic.

Trong kỳ thi đấu Olympic đầu tiên ấy, Indonesia thống trị đấu trường, giành huy chương vàng tại cả bốn môn và tổng cộng đoạt bảy huy chương. Huy chương vàng của Indonesia trong cầu lông cũng là huy chương vàng đầu tiên của họ tại Olympic.

Ở Atlanta 1996, Poul-Erik Hoyer-Larsen của Đan Mạch vô địch giải đơn nam, còn Bang Soo-Hyun của Nam Hàn đứng nhất đơn nữ. Indonesia bảo vệ thành công tại giải đôi nam, trong lúc Trung Quốc nhất giải đôi nữ. Bốn năm trước, Indonesia một lần nữa giành giải đôi nam, nhưng Trung Quốc vẫn giành nhiều huy chương vàng nhất.

Một trong những điều quyến rũ của cầu lông là trong hạng mục đôi nam nữ, hai phái có thể thi đấu với khả năng tương đối ngang ngửa nhau. Giải đôi nam nữ lần đầu tiên được đưa vào Olympic Sydney 2000. Và hơn một thế kỷ sau khi giúp giới thiệu cầu lông ra thế giới, nước Anh mới giành được huy chương đồng giải đôi nam nữ với Simon Archer và Jo Goode.

Luật thi đấu cơ bản

Đánh đơn:
1. Ô giao cầu và ô nhận cầu:
1.1. Các VĐV sẽ giao cầu và nhận cầu từ trong ô giao cầu bên phải tương ứng của mình khi người giao cầu chưa ghi điểm hoặc ghi được điểm chẵn trong ván đó.
1.2. Các VĐV sẽ giao cầu và nhận cầu từ trong ô giao cầu bên trái tương ứng của mình khi người giao cầu ghi được điểm lẻ trong ván đó.

2. Trình tự trận đấu và vị trí trên sân:
Trong pha cầu, quả cầu sẽ được đánh luân phiên bởi người giao cầu và người nhận cầu, từ bất kỳ vị trí nào phía bên phần sân của VĐV đó cho đến khi cầu không còn trong cuộc (Điều 15).
3. Ghi điểm và giao cầu:
3.1. Nếu người giao cầu thắng pha cầu, người giao cầu sẽ ghi cho mình một điểm. Người giao cầu sẽ tiếp tục giao cầu từ ô giao cầu còn lại.
3.2. Nếu người nhận cầu thắng pha cầu, người nhận cầu sẽ ghi cho mình 1 điểm. Người nhận cầu lúc này trở thành người giao nhận cầu mới.
Đánh đôi
1. Ô giao cầu và ô nhận cầu:
1.1. Một VĐV bên giao cầu sẽ giao cầu từ ô giao cầu bên phải khi bên họ chưa ghi điểm hoặc ghi được điểm chẵn trong ván đó.
1.2. Một VĐV bên giao cầu sẽ giao cầu từ ô giao cầu bên trái khi họ ghi được điểm lẻ trong ván đó.
1.3. VĐV có quả giao cầu lần cuối trước đó của bên giao cầu sẽ giữ nguyên vị trí đứng mà từ ô đó VĐV này đã thực hiện lần giao cầu cuối cho bên mình. Mô hình ngược lại sẽ được áp dụng cho đồng đội của người nhận cầu.
1.4. VĐV của bên nhận cầu đang đứng trong ô giao cầu chéo đối diện sẽ là người nhận cầu.
1.5. VĐV sẽ không thay đổi vị trí đứng tương ứng của mình cho đến khi họ thắng một điểm mà bên của họ đang nắm quyền giao cầu.
1.6. Bất kỳ lượt giao cầu nào cũng được thực hiện từ ô giao cầu tương ứng với số điểm mà bên giao cầu đó có, ngoại trừ các trường hợp nêu ở Điều 12.

2. Thứ tự đánh cầu và vị trí trên sân:
Sau khi quả giao cầu được đánh trả, cầu được đánh luân phiên bởi một trong hai VĐV của bên giao cầu và một trong hai VĐV của bên nhận cầu cho đến khi cầu không còn trong cuộc (Điều 15).
3. Ghi điểm và giao cầu:
3.1. Nếu bên giao cầu thắng pha cầu, họ sẽ ghi cho mình một điểm. Người giao cầu tiếp tục thực hiện quả giao cầu từ ô giao cầu tương ứng còn lại.
3.2. Nếu bên nhận cầu thắng pha cầu, họ sẽ ghi cho mình một điểm. Bên nhận cầu lúc này trở thành bên giao cầu mới
4. Trình tự giao cầu:
Trong bất kỳ ván nào, quyền giao cầu cũng được chuyển tuần tự:
4.1. Từ người giao cầu đầu tiên khi bắt đầu ván đấu ở ô giao cầu bên phải,
4.2. Đến đồng đội của người nhận cầu đầu tiên. Lúc này quả giao cầu được thực hiện từ ô giao cầu bên trái,
4.3. Sang đồng đội của người giao cầu đầu tiên,
4.4. Đến người nhận cầu đầu tiên,
4.5. Trở lại người giao cầu đầu tiên, và cứ tiếp tục như thế…

Luật giao cầu trong đánh đôi
Luật giao cầu trong đánh đôi
5. Không VĐV nào được giao cầu sai phiên, nhận cầu sai phiên, hoặc nhận hai quả giao cầu liên tiếp trong cùng một ván đấu, ngoại trừ các trường hợp nêu ở Điều 12.
6. Bất kỳ VĐV nào của bên thắng ván cũng có thể giao cầu đầu tiên ở ván tiếp theo, và bất kỳ VĐV nào của bên thua ván cũng có thể nhận cầu đầu tiên ở ván tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét